Trận quyết chiến chiến lược này đánh dấu bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng.
Ngược dòng lịch sử về thời điểm ngày 8-5-1954, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình". Sau đó, khi từ Tây Bắc trở lại Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến báo cáo với Bác, Người đã nói: "Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ".
Vĩ tuyến 17 tại cầu Hiền lương bắc qua sông Bến Hải
Bằng cách biến vĩ tuyến 17 thành một "bức tường chắn" chống lại Hà Nội, người Mỹ đã lặp lại cách người Pháp tìm cách chia tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam năm 1946. Nhưng cũng giống như người Pháp, người Mỹ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt và thất bại nặng nề.
Không thể tránh khỏi cuộc đụng đầu lịch sử còn tiếp tục, người Việt Nam lại một lần nữa đồng lòng vượt mọi khó khăn, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với một niềm tin son sắt. Từ mùa Xuân Điện Biên Phủ năm 1954, đến mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh năm 1975, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ trên tiền tuyến lớn miền Nam, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước phát triển mới rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng. Trong những nhân tố chủ quan đưa đến thắng lợi, phải kể đến các cơ quan quân sự chiến lược của Tổng hành dinh. Suốt hàng chục ngày đêm, từ thủ trưởng đến cán bộ, nhân viên, ai cũng làm việc không tiếc sức mình, phục vụ Bộ thống soái tối cao lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường và hậu phương chiến đấu vì chiến thắng.
Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4-1975
Cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 24-3-1975 xác định, thế và lực của ta và địch đã khác hẳn. Phải đánh nhanh, thắng nhanh, phải nghĩ đến tiến công Sài Gòn từ lúc này, kết hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy, thực hiện bước nhảy vọt về chiến lược. Bộ Chính trị khẳng định: Cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với Chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến. Quyết nghị: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, tập trung nỗ lực cả nước, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất vào phương hướng chủ yếu, hành động nhanh chóng, táo bạo bất ngờ đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã gặp và giao nhiệm vụ cho các cán bộ vào chiến trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng tập trung lực lượng, trang bị... cấp tốc hành quân "xốc tới" chiến trường. Từ Tổng hành dinh, các cuộc họp diễn ra liên tục. Từ các phòng làm việc, ánh đèn sáng xuyên đêm. Các cơ quan Tổng hành dinh "luôn mắt, luôn tay, khẩn trương, phấn khởi".
Trong hồi ký, Đại tướng cũng viết: "Ở Hà Nội, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24/24 giờ. Các đồng chí Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái và Cao Văn Khánh cùng tôi thường trực ở Sở Chỉ huy. Anh chị em, thông tin, cơ yếu thay phiên nhau làm việc suốt đêm ngày. Cơm nước được mang đến tận nơi"...
Thực tế chứng minh, thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch, của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu và đấu tranh cụ thể của từng chiến trường, từng đơn vị, không phải chỉ riêng một chiến trường, một bộ phận nào. Trong đó Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhân dân Sài gòn mừng ngày chiến thắng 30/4/1975
Mùa Xuân năm 1975, Bộ Thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược, hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước. Tất cả các chỉ đạo, mệnh lệnh đều khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng. Các chiến dịch đều diễn ra theo một kế hoạch thống nhất của Bộ Tổng tư lệnh, có sự phối hợp với nhau cả về kế hoạch và tình huống chiến dịch, tạo tiền đề cho nhau và cùng tạo ra điều kiện hình thành đòn quyết định chiến lược cuối cùng...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một điển hình thành công của học thuyết quân sự Việt Nam với ngày chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc. Căn cứ vào diễn biến phát triển mau lẹ của tình hình địch, ta trên chiến trường, Bộ Thống soái tối cao đã có những quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam từ hai đến ba năm lúc đầu sang kế hoạch thời cơ, rút xuống một năm rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giành được thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn./.
BCHQS