Mặc dù thời điểm hiện tại là kỳ nghỉ hè – thời gian giáo viên đang được nghỉ theo chế độ, chưa có các đợt tập huấn chính thức, nhưng tinh thần học tập chủ động, sẵn sàng tiếp cận cái mới vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong tập thể sư phạm nhà trường. Tổ chuyên môn đã linh hoạt chia sẻ tài liệu, khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm qua hình thức trực tuyến. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác chuyên môn của năm học 2025–2026 sắp tới. Tài liệu "Hướng dẫn sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học" do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam biên soạn và cung cấp miễn phí trên nền tảng số tại địa chỉ: https://ai.vnies.edu.vn. Với nội dung được xây dựng công phu, tài liệu mang tính định hướng cao, giúp giáo viên tiếp cận một cách bài bản với khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI), hiểu được vai trò và tiềm năng ứng dụng AI trong hoạt động dạy học, đồng thời khuyến nghị các phương pháp tích hợp công nghệ vào thực tiễn sư phạm một cách an toàn, phù hợp và hiệu quả.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoàn – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cho biết: "Việc tiếp cận tài liệu trong dịp hè là một lợi thế, giúp giáo viên có thêm thời gian tự học và làm quen với công nghệ mới. Nhà trường sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tổ chức hoạt động chuyên môn liên quan đến nội dung này trong năm học tới."
Thông qua tài liệu, giáo viên không chỉ được làm quen với các khái niệm cơ bản về trí tuệ nhân tạo mà còn hiểu rõ cách ứng dụng cụ thể vào công việc giảng dạy hàng ngày. Ví dụ, cá nhân hóa học tập là một trong những điểm sáng của AI, giúp giáo viên thiết kế những bài học phù hợp với từng trẻ, đáp ứng nhu cầu và khả năng riêng biệt của các bé, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu và phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, việc tạo nội dung giảng dạy bằng công cụ AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, đồng thời tăng tính sáng tạo trong việc xây dựng các hoạt động học tập phong phú, sinh động, hấp dẫn trẻ. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh giáo dục mầm non cần nhiều hình thức trải nghiệm thực tế và tương tác để phát triển tư duy và kỹ năng mềm cho trẻ.
Ngoài ra, tài liệu còn hướng dẫn cách thiết kế hoạt động trải nghiệm số, kết hợp công nghệ và các trò chơi giáo dục giúp trẻ vừa học vừa chơi, kích thích sự tò mò và khám phá một cách tự nhiên. Việc này giúp tạo ra môi trường học tập linh hoạt, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.
Đồng chí Lê Thị Hoài – Tổ trưởng chuyên môn, chia sẻ: "Tài liệu được trình bày dễ hiểu, gần gũi và gợi mở nhiều hướng đi phù hợp với cấp học mầm non. Việc ứng dụng AI không nằm ở công nghệ phức tạp, mà là cách giáo viên tận dụng công cụ để làm mới phương pháp giảng dạy, tăng tính tương tác và hiệu quả học tập của trẻ, AI cũng hỗ trợ giáo viên trong việc khai thác dữ liệu phản hồi từ các hoạt động, từ đó có thể đánh giá chính xác mức độ tiến bộ của trẻ theo từng kỹ năng, phát hiện sớm những khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đây là bước đệm quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo mỗi trẻ được chăm sóc và phát triển toàn diện."
Cô giáo Đinh Thị Hường – một trong những giáo viên giàu kinh nghiệm của nhà trường, với hơn ba mươi năm gắn bó với nghề – cũng bày tỏ sự lạc quan và tinh thần cầu tiến: "Tôi từng nghĩ AI là thứ gì đó xa vời với giáo viên lớn tuổi như mình. Nhưng đọc tài liệu và trao đổi với đồng nghiệp, tôi thấy mình hoàn toàn có thể tiếp cận. Tôi tin rằng công nghệ sẽ hỗ trợ tốt nếu mình học cách sử dụng đúng."
Mặc dù các ứng dụng AI trong giáo dục mầm non còn tương đối mới mẻ, nhưng nếu được tiếp cận và vận dụng đúng cách, công nghệ này sẽ mở ra nhiều cơ hội đổi mới sáng tạo, giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy và góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại cho trẻ nhỏ.
Giáo viên trường mầm non Hoa Sữa chủ động tiếp cận AI, sẵn sàngbước vào đổi mới giáo dục
Sự chủ động của tập thể giáo viên Trường Mầm non Hoa Sữa không chỉ thể hiện tinh thần cầu tiến và đổi mới, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục – hướng tới xây dựng môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và lấy trẻ làm trung tâm.
MN Hoa Sữa